Tất Cả Sự thật về European Super League | Giải đấu mang tầm cỡ “Super”

Ngày 18 tháng 4 năm 2021 theo giờ Việt Nam, các trang mạng xã hội và mọi người ồ ạt truyền nhau một thông tin mà có lẽ nó sẽ làm xáo trộn bóng đá thế giới.

Vào tối hôm đó, bóng đá châu Âu thật sự rơi vào tình trạng hỗn loạn khi thông tin European Super League sẽ được thành lập. Sau khi các ông chủ các đội bóng lớn ở châu Âu đã họp và đi đến thống nhất sẽ tạo ra European Super League thì đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ những người làm bóng đá và các cổ động viên.

Vậy thì giải đấu mang cái tên mỹ miều European Super League này thực chất là như thế nào, hãy cùng tìm hiểu những vấn đề xoay quanh nó nhé.

Sự thật về European Super League –  Giải đấu mang tầm cỡ “Super”

Đâu là nguyên nhân hình thành, đâu là nguyên nhân người ta lên án và vì đâu mọi người ủng hộ, và nguyên nhân nào khiến Super League suy tàn chỉ sau vài ngày? Mời bạn cùng bình luận với chúng tôi!

Sự hình thành một giải đấu quy tụ hầu hết các anh tài của môn thể thao vua

Chắc hẳn nhiều người chỉ mới nghe đến cái tên European Super League khi người ta đưa ra quyết định thành lập nó nhưng nếu bạn là người theo dõi bóng đá lâu năm thì biết được rằng từ 2 năm trước giải đấu này đã có mầm mống hình thành và dịch Covid đến như giọt nước tràn ly khiến những người đứng đầu phải đưa ra quyết định.

Nếu như nói sâu xa hơn nữa thì một Siêu giải đấu với quy mô như European Super League là ý tưởng được đưa ra từ năm 1998 nhưng ý tưởng này đã thất bại khi UEFA  mở rộng Champion League cho đến bây giờ. Những người làm bóng đá vẫn tiếp tục đưa ra những đề xuất liên quan đến giải đấu này nhưng đều thất bại.

Một ngày sau khi thông tin thành lập giải đấu được công bố, ban điều hành của European Super League đã công bố 12 cái tên ủng hộ sự kiện này bao gồm Big 6 của Ngoại Hạng Anh là Man United, Man City, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham; 3 cái tên lớn nhất của La Liga là Barcelona, Real Madrid cùng với Atletico Madrid cũng như 3 đội bóng của Italia là Inter Milan, AC Milan và Juventus.

Sự ra đời của European Super League liệu có giết chết cái đẹp của bóng đá truyền thống?

Bản chất thật sự của European Super League và thái độ của các nhà làm bóng đá

Nhiều ý kiến cho rằng các ông lớn của châu Âu quyết định thành lập European Super League để không phải chịu sự chi phối của UEFA khi tổ chức này luôn tìm cách thu về lợi nhuận cao nhất bất chấp việc các cầu thủ sẽ phải cày ải nhiều hơn.

Thực tế European Super League sẽ đe dọa rất nhiều đến các giải đấu quốc nội cũng như là đối thủ cạnh tranh lợi ích của UEFA Champion League.

Trước mối đe dọa ảnh hưởng xấu đến lợi ích các giải đấu đang bị chi phối bởi UEFA, ban điều hành tổ chức này ra thông báo tẩy chay European Super League. Đồng tình với Liên đoàn bóng đá châu Âu, các liên đoàn Anh, Tây Ban Nha và Italia đồng loạt thể hiện thái độ không tán thành European Super League.

UEFA đã soạn sẵn hàng loạt lệnh cấm và biện pháp xử lý các đội bóng, các cầu thủ tham dự European Super League.

  • Những đội bóng nào tham dự European Super League sẽ bị cấm tham gia Champion League.
  • FIFA cũng nhảy vào cuộc khi ra lệnh cấm các cầu thủ không được thi đấu cho đội tuyển quốc gia nếu tham dự European Super League.
  • Thậm chí các câu lạc bộ thi đấu ở European Super League sẽ bị cấm tham gia giải quốc nội.

Ngoài ra hàng loạt cựu cầu thủ, huấn luyện viên đều tỏ ra không đồng ý với quyết định thành lập European Super League vì cho rằng nó sẽ phá vỡ nền bóng đá hiện tại.

Vậy thì tại sao các câu lạc bộ uy tín bậc nhất lục địa già lại cùng nhau thống nhất đi đến quyết định thành lập một giải đấu ly khai, bất chấp sự phản đối của nhiều bên liên quan?

TOÀN CẢNH VỤ LY KHAI SUPER LEAGUE: BỌN TAO CÓ TIỀN, BỌN TAO THÍCH LÀM GÌ THÌ LÀM!

Lợi ích mà European Super League mang lại và tham vọng của các đại gia châu Âu

Câu hỏi được đặt ra là tại sao European Super League lại xuất hiện vào thời điểm này và có thể gây ra sự rối loạn trên phạm vi toàn cầu?

Đầu tiên chính là vì sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19, mọi đội bóng đều gặp vấn đề và nhu cầu đặt ra chiến lược phát triển bóng đá mới là vô cùng cần thiết.

Với chiến lược mang tên European Super League, các cơ quan quản lý bóng đá châu Âu sẽ giải quyết được bài toán tạo ra giải đấu hấp dẫn hơn. Đương nhiên rồi cứ nhìn vào thành phần tham dự mà xem, chẳng phải quy tụ mọi anh tài hay sao.

Tiếp theo là vì tiền, số tiền rất lớn đối với mọi đội bóng. Đại dịch ập đến, 12 đội bóng kể trên đã mất đến 1,2 tỷ bảng trong mùa giải 2019 – 2020 dù chỉ chịu ảnh hưởng 3 tháng Covid.

Do vậy mà Siêu giải đấu với siêu tiền thưởng như European Super League sẽ là miếng bánh mà không ai có thể khước từ.

Theo như thông báo thì 12 đội bóng thành lập giải sẽ được chia ngay lập tức 3,5 tỷ Euro, một con số quá lớn mà đội bóng nào cũng mong muốn.

Và con số tiền thưởng có thể lên đến 6 tỷ Euro chia cho 20 đội bóng tham dự, quả thật là rất nhiều tiền. Tổng cộng thì chúng ta có một giải đấu lên đến 10 tỷ Euro thì hỏi sao các ông lớn không thích thú.

Câu hỏi khác sẽ được đặt ra ở đây là tiền ở đâu mà đổ vào một giải đấu ly khai nhiều đến vậy?

Nguồn tiền nào sẽ đổ vào European Super League?

Trước mắt là khoản tiền lên đến 5 tỷ đô la được ngân hàng Mỹ JPMorgan cam kết đầu tư vào dự án chưa từng có trong lịch sử này.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều nhà đầu tư khác cũng sẽ nhảy vào bởi tầm cỡ của giải đấu này sẽ vượt mặt Champion League hiện tại.

Bên cạnh đó, một khi các đội bóng mạnh nhất của các quốc gia tham dự European Super League thì tính thu hút sẽ chuyển dịch từ các giải vô địch quốc gia sang Siêu giải đấu này. Chính vì vậy mà phí bản quyền truyền hình sẽ rơi hết vào túi của European Super League nâng quỹ thưởng của giải đấu này lên.

Để có thể điều hành được một tổ chức và một giải đấu của toàn những ông lớn thì thượng tầng của European Super League ắt hẳn không phải là những con người tầm thường. Bạn có biết họ là những ai không?

Bộ máy quản lý của European Super League và những câu lạc bộ nào sẽ tham dự Siêu giải đấu này

Như đã nêu ra ở trên, 12 ông lớn đến từ EPL, La Liga và Serie sẽ là những đội bóng thuộc lớp sáng lập giải đấu, thực tế theo dự tính thì sẽ có 15 câu lạc bộ thuộc nhóm này nhưng Bayern Munich đã từ chối từ khi được mời còn ban lãnh đạo PSG thì có quan hệ mật thiết với UEFA.

Để có thể xây dựng một giải đấu quy tụ toàn bộ những đội bóng tầm cỡ, những cầu thủ siêu sao có tiếng tăm của làng túc cầu thì khả năng quản lý của thượng tầng giải đấu này phải là ưu tiên hàng đầu.

Chính vì vậy mà vị chủ tịch có tiếng nói uy tín nhất thế giới bóng đá Florentino Perez sẽ được bầu làm chủ tịch của European Super League. Sẽ có 4 vị phó chủ tịch hỗ trợ cho ông lần lượt là:

  • Andrea Agnelli – chủ tịch câu lạc bộ Juventus
  • Ông chủ Man United Joel Glazer
  • Tỷ phú John Henry – chủ tịch câu lạc bộ Liverpool
  • Stan Kroenke – ông chủ của Arsenal

Thượng tầng European Super League luôn mong muốn ngồi vào bàn đàm phán với với UEFA và FIFA để hợp tác nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho bóng đá. Chủ tịch Perez luôn nhấn mạnh rằng European Super League sẽ giúp bóng đá được đưa lên một tầm cao mới, xứng đáng với danh xưng môn thể thao vua khi ông tin rằng cách làm hiện tại sẽ phát triển bóng đá ở mọi cấp độ.

Với những con người có tâm và có tầm trong bóng đá như “bố già” của Real thì việc làm này của ông nói riêng và toàn bộ các đội bóng ủng hộ European Super League nói chung chắc chắn là vì lợi ích tập thể chứ không có chuyện thâu tóm quyền lực như nhiều ý kiến trái chiều.

Một khi European Super League được tổ chức thì các đội sẽ thi đấu với nhau như thế nào để tối ưu hóa lợi ích nhất đây?

Thể thức thi đấu của European Super League

Sẽ có tổng cộng 20 đội tham gia trong đó 15 câu lạc bộ thuộc nhóm sáng lập và 5 câu lạc bộ được mời dựa trên thành tích của mùa trước.

Lịch thi đấu sẽ sắp xếp vào giữa tuần với tất cả các đội để đảm việc thi đấu quốc nội của các câu lạc bộ. Tôn trọng và giữ sự ổn định cho các giải vô địch quốc gia vốn là yếu tố tiên quyết của European Super League.

Khởi tranh vào tháng 8,, 20 đội chia làm 2 bảng thi đấu với 10 đội mỗi bảng. Các câu lạc bộ tại mỗi bảng sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm và lấy 3 đội dẫn đầu mỗi bảng vào thẳng vòng tứ kết.

Còn lại 2 vị trí sẽ là sự cạnh tranh của 2 đội xếp ở vị trí 4 và 5 của mỗi bảng. Do vậy 4 đội này sẽ phải thi đấu theo thể thức Play off để tranh 2 vé vào vòng tứ kết.

Kể từ vòng tứ kết sẽ là những cặp đấu loại trực tiếp theo thể thức đi và về, đến chung kết thì 2 đội mạnh nhất sẽ chỉ phải thi đấu 1 trận duy nhất tại sân trung lập để giành chức vô địch về cho mình.

Với thể thức như trên cùng với những cái tên tham dự thì có lẽ người được lợi nhiều nhất chính là người hâm mộ.

Người hâm mộ sẽ như thế nào nêu European Super League chính thức khởi tranh

Chắc chắn là hàng tuần sẽ có rất nhiều “Big Match” được diễn ra và người hâm mộ có thể thỏa thích chọn lựa các trận đấu để theo dõi.

Có người thì sẽ thật sự thích thú khi được theo dõi những ông lớn đụng độ nhau một cách liên tục, kịch bản đối đầu giữa các siêu sao của làng túc cầu cũng sẽ được diễn ra với tần suất dày đặc và hiển nhiên đa số những người yêu bóng đá có lẽ sẽ hài lòng khi European Super League diễn ra.

Nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng European Super League sẽ làm mất đi tính cân đối của bóng đá châu Âu. Những đội vốn đã giàu nay lại càng giàu thêm, những đội nghèo thì vẫn cứ nghèo dần đi.

Nhiều người quan niệm rằng những trận đấu lớn, những trận cầu đinh chỉ thực sự hay khi nó ít khi xảy ra và tầm suất diễn ra thấp, chính vì vậy mới có được cái gọi là duyên nợ và thưởng thức trận đấu đó mới có nhiều cảm xúc. Đó mới là vẻ đẹp của bóng đá đích thực.

Không chỉ những người trong cuộc mới khó giải quyết cũng như tranh luận và cứng rắn với quan điểm của mình. Ngay cả các cổ động viên, những người chỉ việc thưởng thức cái đẹp của môn thể thao vua mà cũng chia ra làm 2 luồng ý kiến khác nhau. Do đó mà sự kiện hình thành European Super League đã làm xáo trộn bóng đá ở phạm vi toàn cầu và rất có thể nó sẽ thay đổi bộ môn có hơn 4 tỷ người hâm mộ này.

Kết cục của siêu giải đấu European Super League

European Super League ngưng hoạt động – màn qua đầu của các ông lớn

Trước những ý kiến trái chiều của giới mộ điệu, giới thượng tầng của European Super League mà đứng đầu là chủ tịch Florentino Perez vẫn tự tin rằng giải đấu này sẽ là bước đầu để xây dựng nền bóng đá thương mại hóa, mang lại rất rất nhiều tiền và lợi ích cho các đội.

Thế nhưng, khoan đã! Chỉ có các cổ động viên bóng đá trên thế giới là tranh cãi nhau xung quanh việc tổ chức một giải đấu ly khai như vậy còn những người hâm mộ bóng đá tại chính đại bản doanh của các câu lạc bộ lại đồng lòng phản đối việc đứa con tinh thần của mình sắp biến bóng đá thành cỗ máy kiếm tiền.

Khởi nguồn từ việc hội cổ động viên của Chelsea tại London phản ứng dữ dội, trước trận đấu của đội nhà tại vòng 32 Ngoại hạng Anh, người hâm mộ The Blues đã bịt kín mọi lối vào trụ sở của Chelsea để phản đối việc câu lạc bộ tham dự Super League.

Tình thế căng thẳng đến mức chỉ khi đích thân Petr Cech đích thân xuống trấn an mọi người thì đám đông mới có dấu hiệu giảm bớt nhưng vẫn sẽ báo hiệu cho một giai đoạn đấu tranh cực kỳ gay gắt.

Trước tác động của những cổ động viên, những người luôn theo sát đội bóng, ban lãnh đạo Chelsea đã họp bàn và những người đứng đầu đã nhanh chóng ra quyết định Chelsea sẽ rút khỏi European Super League.

Với một người dành tình yêu đặc biệt cho bóng đá như tỷ phú Abramovich thì ông hiểu rằng dù thế nào thì những cổ động viên vẫn là tôn chỉ của những đội bóng và không thể đi ngược lại với những người dành cả trái tim cho đội bóng của mình.

Ngay sau thông báo đó được phát đi, người ta đã bắt đầu thấy các cổ động viên The Blues cùng nhau ăn mừng như thể câu lạc bộ vừa vô địch một giải đấu nào đó vậy vì họ biết rằng đội bóng con cưng sẽ tiếp tục thứ bóng đá đang mang đến cảm xúc cho mọi người.

Thời điểm này theo giờ Việt Nam là vào khoảng 1h sáng ngày 21 tháng 4 năm 2021, đây là sự kiện bắt đầu cho một đêm mà tin tức về Super League được cập nhật liên tục và những người theo dõi thì bị quay như chong chóng với những màn quay xe đỉnh cao.

Chelsea chính khởi nguồn cho hiệu ứng domino tạo ra loạt thông tin lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến 1 sự kiện bóng đá.

Ngay sau khi Chelsea rút khỏi giải đấu, một đội bóng khác của nước Anh cũng không quá bận tâm về tiền là Man City cũng tham gia hội quay xe khi cũng phải chịu những tác động mạnh từ người hâm mộ.

Tiếp sau đó chủ tịch Laporta của Barcelona cũng cho biết đội bóng này chưa chính thức gia nhập Super League chừng nào các hội viên khác chưa chấp thuận. Ông còn tiết lộ theo thỏa thuận ban đầu thì đội bóng xứ Catalan sẽ chẳng phải bồi thường một đồng nếu làm theo ý kiến phần lớn các hội viên.

Gần như ngay lập tức thì có thông tin cho rằng Atletico Madrid và Man United cũng sẽ rời khỏi Super League nhưng nó được đính chính lại sẽ không xảy ra.

Thế nhưng chỉ vài tiếng sau đó, chủ tịch điều hành Ed Woodward của Man United tuyên bố sẽ từ chức ngay sau khi kết thúc mùa giải đã tạo nên một sự chấn động khác với cổ động viên MU nói riêng cũng như những người đang quan tâm về Super League nói chung khi Ed Woodward là một trong những người sốt sắng nhất với siêu giải đấu này.

Ngoài ra thì thông tin chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus cũng sẽ từ chức được lộ ra nhưng vẫn chưa xác thực, điều này càng hướng sự chú ý về phía chủ tịch Perez và người ta đang chờ ông lên tiếng.

Với áp lực như vậy, Perez đã triệu tập cuộc họp khẩn có mặt đầy đủ 12 chủ tịch của các hội viên European Super League. Ngay sau cuộc họp này, 6 câu lạc bộ nước Anh thông báo chính thức rút khỏi 12 đội bóng đang phát triển giải đấu này.

Sự việc nước Anh sớm rút khỏi dự án này được cho là có tác động từ thủ tướng Boris Johnson, qua đó thấy được chính trị vẫn luôn ảnh hưởng đến bóng đá và những môn thể thao khác. Ngoài ra còn có nhiều nguồn tin cho rằng việc các đội bóng Anh thực hiện quay xe nhanh chóng như vậy là họ đã nhận được một đề nghị về một khoảng tiền lớn từ UEFA thế nhưng con số cụ thể bao nhiêu thì chưa ai biết được.

Những người đứng đầu còn lại của Super League đã lên tiếng chỉ trích các đội bóng Anh đã không kiên quyết làm cách mạng cũng như chính phủ Anh đã để chính trị ảnh hưởng tới bóng đá để rồi kéo theo đó là 2 đội bóng thành Milan cũng dắt tay nhau rời khỏi cuộc chơi.

Đến đây thì Super League buộc phải đưa ra tuyên bố hoãn giải đấu với lý do cần thời gian để định hình lại dự án và nó sẽ được tiếp tục trong tương lai.

Những tác động và tình hình bóng đá thế giới sau khi cuộc cách mạng 48 giờ sụp đổ.

Sau khi ban điều hành Super League tuyên bố hoãn giải đấu, người hâm mộ bản địa thì hả hê khi khẳng định được vị thế của mình, chủ tịch Perez đầy quyền lực bỗng chốc biến thành trò hề,… cùng với đó là những biến động mới của bóng hứa hẹn một giai đoạn đầy những bất ngờ.

Sau khi chủ tịch Ed Woodward của Man United tuyên bố sẽ từ chức, một số nguồn tin cho rằng MU sẽ được những ông chủ người Mỹ đem rao bán nhưng có lẽ đây là một thông tin còn bỏ ngỏ tính xác thực.

Hầu hết các cầu thủ và huấn luyện viên điều tỏ ra không đồng tình với việc các ông chủ quyết định thành lập Super League và cũng chính vì làm việc không rõ ràng nên họ không có tiếng nói chung. Bằng chứng là những huấn luyện viên hàng đầu đã lên tiếng thể hiện quan điểm không hứng thú với giải đấu này.

Trong thời gian mà mọi sự chú ý đổ dồn vào European Super League thì sự việc huấn luyện viên J. Mourinho bị sa thải không còn được thu hút nhiều từ truyền thông như trước. Nhưng có lẽ lý do ông bị sa thải là vì chống đối Super League chứ không phải vì thành tích của Tottenham.

Một giải đấu ly khai đã bị hoãn, các đội bóng lại trở về đường rây quen thuộc, do đó mà cuộc đua top 4 tại Ngoại Hạng Anh lại trở về với sự khốc liệt thường thấy khi các ông lớn vẫn quyết tâm giành lấy tấm vé Champion League.

Ban điều hành UEFA đe dọa trừng phạt những đội trước đó đã tuyên chiến với họ nhưng hình phạt cụ thể vẫn chưa được thông qua. Bên cạnh đó thì thể thức thi đấu mới của Champion League sẽ được áp dụng sau năm 2024 như kế hoạch đã thống nhất ban đầu.

Vòng quay bóng đá vẫn sẽ được tiếp diễn với đúng như cái cách mà nó đã từng, các cầu thủ đều được chơi bóng mà không bị cấm cản gì. Trước mắt là có thể hướng đến vòng chung kết Euro mùa hè 2021 với đầy đủ những hảo thủ được mong chờ nhất.

Những đội bóng sớm rút khỏi Super League có lẽ sẽ an tâm mà tiếp tục phát triển, chỉ còn những ông lớn là Real Madrid, Barcelona cũng như Juventus rất kiên quyết khi không trở về với UEFA, điều này có lẽ khiến 3 đội bóng này chịu lệnh trừng phạt từ Liên đoàn bóng đá châu Âu, có thể Champion League mùa sau sẽ vắng bóng những câu lạc bộ này nếu chủ tịch Aleksander Ceferin mạnh tay.

3 đội bóng kể trên mà đứng đầu là Perez, Laporta và Agnelli đang chơi một canh bạc tất tay, một ván bài mà nếu thắng họ sẽ được lưu danh muôn đời khi thay đổi lịch sử bóng đá, nhưng nếu thất bại thì họ sẽ mất tất cả và người hâm mộ có lẽ sẽ không còn thấy được vị thế ông lớn của các câu lạc bộ này nữa.

Và nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, rất nhiều cầu thủ sẽ tháo chạy để thoát khỏi án phạt cấm lên tuyển mà UEFA đã từng đề ra.

Cho dù UEFA có ra lệnh trừng phạt như thế nào đi chăng nữa thì mùa hè 2021 chắc chắn sẽ sôi động không chỉ trên sân cỏ mà còn ở thị trường chuyển nhượng khi những bom tấn hứa hẹn sẽ được kích nổ là Mbappe, Haaland, Harry Kane, Son Hong Min,… được được chuẩn bị sẵn sàng.

Sau sự thất bại của cuộc cách mạng trong vòng 48 giờ mà người lãnh đạo là một chủ tịch nắm vị thế ông trùm là Florentino Perez thì UEFA cũng đã phải hứng chịu rất nhiều gạch đá khi chính các cầu thủ và huấn luyện viên lên án chính sách bóc lột cầu thủ của tổ chức này, có lẽ những dự án về một giải đấu ly khai khác vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai.

UEFA VÀ FIFA ĐÃ THỐI NÁT QUÁ MỨC NÊN SUPER LEAGUE MỚI PHẢI XUẤT HIỆN

Cơ hội nào cho sự hồi sinh của Super League

Việc những ông chủ của 2 ông lớn Tây Ban Nha cùng chủ tịch Juventus kiên quyết đối đầu với UEFA chứng tỏ họ vẫn nhìn được tương lai nào đó cho tham vọng của mình. Super League thực chất vẫn là đang tạm hoãn để có thể tái thiết lại.

Thất bại lần này của Super League là do giới thượng tầng đã quá chủ quan về khả năng tuyên truyền và lôi kéo truyền thông khiến cho người hâm mộ phản đối kịch liệt. Nếu như tương lai họ có thể lôi kéo những cổ động viên bản địa đứng về phía mình thì chắc chắn lịch sử bóng đá sẽ thay đổi. Khi đó Super League chắc chắn sẽ được tổ chức theo hướng thương mại hóa mà sẽ mang lại rất nhiều tiền.

Lý thuyết là vậy nhưng để thực hiện được quả không phải điều dễ dàng, chặng đường phía trước vẫn còn rất chông gai đối với những con người đầy tâm huyết và tham vọng. Thời gian sẽ trả lời cho những thắc mắc và ngờ vực của hiện tại. Hãy cùng chờ xem!

Leave a Comment

           
Bài trước

Robert Lewandowski là ai? | Niềm tự hào và hy vọng lớn lao của bóng đá Ba Lan

Paul Pogba là ai? | Vì sao anh được gọi là Pogboom

           
Bài tiếp theo