Pressing Tầm Cao Là Gì? Pressing tầm cao trong Bóng Đá

Bóng đá hiện đại đề cao tính tập thể, là giai đoạn lên ngôi của tinh thần và chiến thuật, yếu tố cá nhân chỉ là thứ yếu, nay là thời của những bộ óc chiến thuật thiên tài.

Do vậy mà rất nhiều triết lý bóng đá ra đời với những chiến thuật hay. Một trong những triết lý bóng đá mang lại sự thích thú cho người xem là pressing mà đặc biệt là pressing tầm cao (high-pressing).

Vậy thì những phong cách chơi bóng này là gì, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Pressing là gì?

Trước hết hãy làm rõ khái niệm pressing trong bóng đá. Là một chiến thuật mà các cầu thủ phải liên tục áp sát và gây sức ép lên đối phương, có thể hình dung một đội bóng pressing là đội bóng luôn áp sát vào để đoạt bóng nhanh nhất có thể khi đối phương có bóng nhằm lấy lại quyền kiểm soát nhưng không làm loạn đội hình của mình.

Là một chiến thuật không bắt buộc của bóng đá nên các huấn luyện viên có thể sử dụng nó một cách tùy ý và sáng tạo, thường thì sẽ có pressing tầm thấp, tầm trung và tầm cao.

  • Pressing tầm thấp: các cầu thủ tạo áp lực ở phần sân nhà để cướp bóng và tổ chức phản công.
  • Pressing tầm trung: bóp nghẹt đối thủ ở khu vực giữa sân, khiến đối thủ khó quyết định tấn công hay kiểm soát bóng.
  • Pressing tầm cao: gây áp lực từ sân đối phương, tạo sức ép cực lớn và hầu như bóng lăn phần lớn ở nửa sân đối thủ.

Bài viết này chỉ làm rõ những gì liên quan đến pressing tầm cao, 2 hình thức kia sẽ có bài viết khác cho các bạn.

Đọc thêm: Các Vị Trí Trên Sân Bóng Đá

Pressing tầm cao là gì?

Có nghĩa là hầu như toàn đội sẽ có mặt ở khu vực sân đối phương, kể cả 2 trung vệ và luôn trong tư thế bẫy bóng. Những đội nhuần nhuyễn lối chơi này sẽ kiểm soát bóng gấp đôi đối thủ và buộc đối thủ phải ở thế phòng thủ.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, mấu chốt của một hệ thống vận hành tốt pressing nói chung hay pressing tầm cao nói riêng là ở việc giữ cho đội hình không loạn, phân chia người áp sát vào đối phương như thế nào, lấp khoảng trống của đồng đội như thế nào cho hợp lý, đó là cả một quá trình dài luyện tập, không thể ngày một ngày hai mà thực hiện được.

Nếu như lối chơi pressing nói chung nhằm mục đích lấy lại bóng nhanh nhất có thể, nhưng các huấn luyện viên đã sử dụng pressing tầm cao không chỉ vào mục đích này, mà khi lấy bóng từ ⅓ sân đối phương, đội nhà sẽ làm được 2 việc:

  • Ngăn chặn đội bạn tấn công: Bóng đá hiện tại thường các đội sẽ triển khai bóng ngay từ hàng thủ, nên việc pressing tầm cao và lấy bóng xem như là lớp đánh chặn đầu tiên.
  • Đoạt được bóng sẽ triển khai tấn công, dễ dàng mở ra cơ hội ghi bàn: thông thường cầu thủ đoạt được bóng ở phần sân đối phương sẽ là những cầu thủ tấn công hoặc thấp nhất là những tiền vệ, vì vậy việc tổ chức tấn công nhanh là tương đối dễ dàng, đối thủ sẽ không trở tay kịp.

Ưu/Nhược của Pressing tầm cao

Ưu điểm

Việc gây áp lực mạnh lên ⅓ sân đối thủ sẽ giúp các đội bóng pressing tầm cao chủ động hơn trong lối chơi từ tấn công đến phòng thủ.

Cơ hội ghi bàn là thứ thấy rõ nhất trong những trận đấu có pressing tầm cao, nó đến từ nhiều hướng và nhiều cách triển khai khác nhau. Thậm chí khi gặp đối thủ dưới cơ hơn thì việc chơi bóng nửa sân rất dễ dàng.

Bóng đá tổng lực của người Hà Lan cũng áp dụng phần nào đó pressing tầm cao, chỉ là không phải lúc nào họ cũng quyết liệt như bản chất pressing thuần túy mà thôi.

Nhược điểm

Nguyên tắc đơn giản trong bóng đá: tấn công nhiều nhưng không có bàn thắng thì sẽ bị trả giá. Khi áp đặt lối chơi lên đối thủ, tấn công dồn dập như không thể ghi bàn thì chắc chắn hàng phòng ngự mỏng manh của pressing tầm cao sẽ phải chịu đòn hồi mã thương của đối thủ.

Bên cạnh đó việc pressing ở cường độ cao khiến cầu thủ bị hao mòn thể lực, do đó có thể nói không phải ai cũng phù hợp với lối chơi này.

Các hình mẫu của Pressing tầm cao

Nếu hỏi đội bóng nào chơi pressing tầm cao hay nhất thì câu trả lời sẽ là Tottenham Hostpur dưới thời của Mauricio Pochettino. Đừng ngạc nhiên khi ở đây nói đến thuần chất của pressing tầm cao.

Điểm đặc sắc trong lối chơi pressing tầm cao mà Pochettino xây dựng là việc triển khai bóng từ tuyến dưới với hậu vệ dâng cao, sẽ có một tiền vệ lùi sau nhận bóng và một trong hai trung vệ sẽ dâng lên cao hơn để thu hút đối phương.

Trong lúc này, 1 trong 2 hậu vệ biên đã dâng qua phần sân đối phương, chờ nhận bóng và tổ chức tấn công.

Khi không thể triển khai bóng ngắn, các hậu vệ sẽ sử dụng những đường chuyền vượt tuyến tận dụng tốc độ của các cầu thủ ở trên.

Có thể nói thể lực là yếu tố quyết định đến pressing được bao lâu trong trận đấu, và hàng tiền vệ là nơi cần sự cơ bắp, khỏe mạnh, hoạt động với cường độ cao trong cả trận đấu. Đó là lý do vì sao Pochettino rất thích sử dụng Harry Winks và Moussa Dembele.

Hàng công của các đội bóng chơi pressing tầm cao, cụ thể ở đây là Spurs sẽ sử dụng 4 cầu thủ tấn công chơi gần nhau để dễ dàng phối hợp, những đường phát động hay những quả tạt sẽ do các hậu vệ biên đảm nhận. Một khi các cầu thủ tất công thi đấu bùng nổ thì mỗi người một bàn trong mỗi trận đấu là điều hiển nhiên.

Khi không có bóng, Tottenham sẽ chơi áp sát quyết liệt ở cường độ cao, điều này giúp họ dễ dàng giành được quyền kiểm soát bóng sau khi bị đánh chặn.

Thường thì sau khi mất bóng, các cầu thủ sẽ ngay lập tức ập vào và phong tỏa những đường chuyền ngắn triển khai bóng của đối thủ, buộc cho họ phải chuyền dài, nhưng nếu gặp những mẫu tiền vệ thoát pressing tốt, lối chơi này là tự sát vì khi đó đội hình của Spurs tất sẽ loạn và phải hứng chịu phản công.

Đó chính là lý do mà Tottenham dưới thời Pochettino chỉ nằm ở mức cạnh tranh chứ không thể có được danh hiệu nào.

Đọc thêm: Cách Chạy Chỗ Trong Bóng Đá

Tottenham Hotspur vs Real Madrid 3-1 Extended Highlights & Goals - 01 NOV 2017

Một biến thể đẳng cấp nhất của Pressing tầm cao – Gegenpressing

Có thể ở trên bạn sẽ thắc mắc vì sao lại có nhận định Spurs là đội chơi pressing tầm cao hay nhất, hay là bạn sẽ nghĩ đã quên mất đội bóng số 1 thế giới mùa giải 2019 – 2020 về Pressing là Liverpool.

Thế nhưng hãy hiểu rõ về pressing tầm cao thuần túy trước khi đến với một biến thể đẳng cấp hơn rất nhiều, một triết lý đã thấm vào máu của Jurgen Klopp dù ông ở Liverpool hay Dortmund.

Chúng ta chỉ biết đến từ Gegenpressing chứ không thể dịch nó ra tiếng việt, có thể hiểu nôm na nó là chống phản công hay phản lại phản công.

Cách pressing mà Klopp chỉ đạo các học trò cũng bắt đầu từ ⅓ sân đối phương, nhưng cách pressing của Liverpool khác hoàn toàn so với Spurs. Sẽ có 1 hoặc 2 cầu thủ áp sát và bám theo quả bóng đến khi nào lấy được nó thì thôi. Mọi cầu thủ Liverpool đều có thể chạy theo quả bóng thậm chí đó là tiền đạo cắm.

Cái hay trong Gegenpressing của chiến lược gia người Đức là việc các cầu thủ có thể chạy loạn cả lên nhưng khi xét toàn hệ thống thì hoàn toàn bền vững. Vậy thì tại sao đội bóng của ông có thể làm được điều này. Đó là vì ông có 1 tiền vệ phòng ngự cực kỳ hiểu lối chơi mà mình đề ra và người ta gọi Fabinho là ngọn hải đăng trong sự hỗn loạn có tổ chức của đội bóng thành phố cảng.

Thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể Gegenpressing được vì với đặc thù hàng tiền đạo là lớp pressing đầu tiên, các tiền đạo phải hy sinh bản thân vì tập thể nên xây dựng lối chơi này phải cần những con người phù hợp. Thật may mắn, Klopp có Firmino- người sẵn sàng đuổi theo quả bóng đến tận sân nhà mình và lấy lại nó, tiền đạo người Brazil là một nửa thành công của Jurgen Klopp tại Anfield.

Liverpool của mùa 2019 – 2020  là một thế lực thật sự đáng sợ ở châu Âu, họ thi đấu không còn ồ ạt áp sát như thời Klopp mới đến nữa, có những lúc họ không cần pressing mà vẫn có thể lấy được bóng. Điều này chứng minh, khi đạt được đỉnh cao, Gegenpressing nói riêng và pressing tầm cao nói chung không cần phải là áp sát, tạo sức ép lên đối thủ, đơn giản nó chỉ là một chiến thuật dùng sự sắp xếp đội hình để áp đặt lối chơi.

Liverpool ra sân với đấu pháp không quá mới mẻ, với những con người cũ, những đấu pháp đặc trưng của Jurgen Klopp, thế mà ít có đội bóng có thể thi đấu ngang cơ với The Kop.

Khi bạn sử dụng một chiến thuật đến mức thuần thục như vậy thì dù đối thủ có biết và tìm cách khắc chế thì cũng là điều bất khả thi.

Đặc biệt hơn cả khi lối chơi Gegenpressing của Liverpool không chỉ có sử dụng đôi chân đầy nhiệt huyết của các cầu thủ, mà nó còn được bay cao nhờ đôi cánh Arnold và Robertson, 2 hậu vệ cánh có sự sự sáng tạo và khả năng hàng đầu hiện nay.

Với những con người đang có trong tay, họ hiểu hết triết lý bóng đá của mình, Jurgen Klopp đã biến pressing tầm cao trở thành một Gegenpressing bất khả chiến bại.

Lối Đá Giống Nhau Giữa LIVERPOOL VS DORTMUND

Ngoài ra lối đá pressing tầm cao được nhiều đội bóng khác sử dụng trong một số trận đấu nhất định chứ chưa trở thành lối đặc sắc riêng trong lối chơi. Có thể kể đến Manchester United, Manchester City, Barcelona,…

Vừa rồi chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về pressing tầm cao trong bóng đá, làm rõ được cách vận hành cũng như sức mạnh của phong cách chơi bóng này. Bên cạnh đó cũng thấy được những điểm yếu trong việc pressing quyết liệt như thế. Hy vọng rằng với những ví dụ về các đội bóng sử dụng tốt pressing tầm cao, các bạn có thể hiểu hơn về một chiến thuật đang rất thịnh hành và đạt hiệu quả cao này.

Leave a Comment

           
Bài trước

Lượt Đi Lượt Về Là Gì | Tại sao lại có luật bàn thắng sân khách

Những Câu Nói Hay Về Bóng Đá | 11 Câu nói kinh điển mọi thời đại

           
Bài tiếp theo