Những Chấn Thương Thường Gặp Khi Chơi Bóng Đá

Đối với những người đam mê bóng đá và thường xuyên chơi bộ môn này, thì một vấn đề mà mọi người đều sợ gặp phải đó chính là chấn thương.

Bản chất của bóng đá là một bộ môn yêu cầu thể lực tốt, kỹ năng cao, cạnh tranh và va chạm trực tiếp, cộng với cường độ vận động cao, do đó chấn thương là điều rất khó tránh khỏi.

Do đó mỗi người chơi bóng đá cần có hiểu biết cơ bản về những chấn thương thường gặp trong bóng đá. Điều này giúp bạn có cách phòng tránh, hoặc xử lý đúng phương pháp khi gặp phải chấn thương. Dưới đây là những chấn thương thường gặp trong bóng đá.

Bong gân

Bong gân là gì và triệu chứng ban đầu

Bong gân là hiện tượng những dây chằng bao quanh khớp bị giãn ra, do bị tác động mạnh, hoặc thậm chí là bị đứt một phần nào đó.

Bong gân thường xảy ra ở khác khớp cổ chân, khớp cổ tay, khớp ngón tay và khớp gối. Nguyên nhân gây ra bong gân thường là do vận động mạnh, va chạm mạnh, hoặc vận động sai khớp. Bong gân đặc biệt thường xảy ra với người chơi thể thao.

Khi bị bong gân, ban đầu người bị sẽ cảm thấy đau nhói vùng chấn thương, dần dần chuyển sang đau ê ẩm và tê buốt vùng chấn thương.

Khi cố gắng vận động hoặc chạm vào vùng chấn thương sẽ có cảm giác đau nhói và không thể vận động bình thường.

Tiếp theo sẽ xuất hiện hiện tượng phù nề, bầm tím, tụ máu tại các khớp và cạnh khớp tại khu vực chấn thương.

Trong trường hợp chấn thương nặng, có thể xảy ra hiện tượng tràn dịch, tràn máu vào khe khớp. Khiến khớp giảm hoặc mất chức năng vận động.

Cách chữa trị

Ban đầu, khi phát hiện chấn thương, người bị thương cần nhanh chóng dừng vận động. Đặt khớp chấn thương nằm cố định.

Sau đó tiến hành dùng đá lạnh chườm vào vết thương, cứ 5 phút lại nhấc ra nghỉ 1 phút và tiếp tục chườm từ 10 đến 15 lần như vậy, tùy mức độ chấn thương.

Sau đó, nếu có băng thun thì tiến hành băng cố định xung quanh vùng chấn thương. Trường hợp chấn thương quá nặng thì cần có nẹp gỗ để cố định.

Tiến hành di chuyển người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra một cách chính xác nhất về mức độ chấn thương và có cách điều trị thích hợp.

Quy tắc khi sơ cứu bong gân được xử lý theo phương pháp RICE. Trong đó R chính là viết tắt của từ Rest, có nghĩa là nghỉ ngơi (cho vùng chấn thương nghỉ ngơi).

Từ I có nghĩa là Ice, chính là đá lạnh. Phương pháp chườm đá lạnh giúp dây chằng được co lại, giúp bệnh nhân bớt đau và làm cho chấn thương mau lành hơn.

Từ C là Compression, có nghĩa là băng ép. Đây là phương pháp cố định vùng chấn thương, để tránh hiện tượng xô lệch khớp, làm trầm trọng thêm chấn thương.

Cuối cùng chữ E tức là Elevate, có nghĩa là nằm kê cao. Đối với những vùng bị bong gân, khi nằm chúng ta nên kê chúng lên một chiếc gối, để giúp lưu thông máu và giảm sưng bầm.

Cách phòng tránh

Bong gân tuy là một chấn thương không quá quan trọng, nhưng nó khiến chúng ta đau và không thể vận động một cách bình thường. Do đó phòng tránh chấn thương này là một điều cần thiết.

Để tránh bong gân, trước khi vận động bạn cần khởi động thật kỹ, đặc biệt là các khớp gối, khớp cổ tay, cổ chân,…Đây là bước quan trọng nhất giúp bạn tránh những chấn thương không đáng có.

Đối với những bạn có tiền sử về chấn thương khớp, thì nên đeo các băng bảo hộ, hoặc quấn băng thun.

Trong lúc vận động các bạn cần chú ý không nên cố quá sức, luôn luôn để khớp hoạt động đúng cấu tạo của nó.

Căng cơ

Căng cơ là gì và triệu chứng

Căng cơ là hiện tượng cơ bắp bị kéo giãn gây mỏi cơ, thậm chí gây nên rách từng sợi hoặc rách hoàn toàn bó cơ.

Những vùng thường xảy ra căng cơ đó là: lưng dưới, cổ, vai, đùi, bắp chân.Căng cơ sẽ kéo cơ bắp ra khỏi vị trí cố định.

Nguyên nhân căng cơ chủ yếu là do vận động quá sức, không có thời gian nghỉ, ép cơ bắp làm việc quá chức năng của nó.

Căng cơ còn xảy ra khi chúng ta làm việc, vận động sai tư thế và thường xuyên lặp đi lặp lại hành động đó.

Triệu chứng ban đầu của căng cơ là cảm giác đau buốt vùng cơ, đồng thời cử động khó khăn, càng cử động thì càng đau hơn.

Trường hợp cơ bị rách nặng thì sẽ xuất hiện hiện tượng phù nề, đỏ tấy. Đau khi sử dụng động tác liên quan đến cơ đó, gân cơ bị yếu.

Cách chữa trị

Khi phát hiện mình bị căng cơ, đầu tiên các bạn nên dừng hết mọi vận động. Giữ nguyên động tác tại vị trí cơ bị căng.

Sau đó từ từ, cử động nhẹ tại vị trí bị căng cơ, kết hợp với xoa bóp cho đến khi bớt đau rồi dừng lại.

Sau đó hạn chế vận động tại vùng có cơ bị căng, đặc biệt là vận động những động tác khó và yêu cầu sức mạnh.

Chỉ nên vận động nhẹ nhàng, để cơ từ từ thích nghi và hồi phục dần sau một quá trình vận động quá sức.

Thông thường căng cơ sẽ hết sau 1 đến hai tuần, những trường hợp căng cơ nặng thì phải mất đến vài tháng để phục hồi.

Cách phòng tránh

Căn cơ xuất phát từ nguyên nhân cơ bị ép làm việc quá sức. Do đó để phòng tránh căng cơ cũng khá đơn giản.

Các bạn nên vận động điều độ, có khoa học. Không nên gắng sức và cần cho cơ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Đối với những bạn chơi bóng đá, cần khởi động thật kỹ, làm nóng người trước khi thi đấu. Không nên đá bóng quá lâu, khi cảm thấy mình đã mệt thì nên thay người.

Kết hợp với chế độ luyện tập đúng cách thường xuyên và chế độ ăn uống khoa học. Bạn hoàn toàn có thể tránh được căng cơ và tự tin chơi thể thao.

Chấn thương dây chằng chéo trước

Chấn thương dây chằng chéo trước là gì và triệu chứng ban đầu

Dây chằng chéo trước là một trong bốn dây chằng kết nối xương chầy với xương đùi, viết tắt là ACL.

Chấn thương dây chằng chéo chéo trước thường xảy ra do va chạm trực tiếp vào mặt trước của đầu gối, đây là loại tổn thương trực tiếp.

Khi bạn đang chạy tốc độ cao và dừng đột ngột chuyển hướng nhanh chóng, điều này gây tổn thương gián tiếp lên dây chằng trước.

Bạn rướn hoặc xoay người sang hướng đối diện, trong khi bàn chân giữ nguyên tư thế. Điều này gây ra tổn thương gián tiếp lên dây chằng chéo trước.

Khi bạn bật cao và tiếp đất trong một tư thế không thuận lợi cũng gây ra chấn thương gián tiếp lên dây chằng chéo trước.

Đối với chấn thương dây chằng, bệnh nhân có thể nghe thấy một tiếng “rắc” tại vị trí chấn thương. Sau đó đầu gối sẽ sưng, bầm và gây cảm giác đau.

Khớp vận động khó khăn, hoặc không thể vận động. Cảm giác khớp trở nên lỏng lẻo, chân trở nên yếu hơn khi di chuyển.

Cách chữa trị

Chấn thương dây chằng chéo trước, sẽ không đau nhiều như bong gân. Do đó các cầu thủ thường ở nhà và thấy vết sưng xẹp dần là yên tâm.

Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, chấn thương này sẽ gây nên hiện tượng teo cơ, chân yếu đi và có khả năng mất vận động.

Do đó khi phát hiện mình có chấn thương nghi liên quan tới dây chằng chéo trước, bạn nên dừng vận động. Di chuyển đến trung tâm y tế để chẩn đoán chính xác và tiến hành điều trị.

Chấn thương dây chằng không thể tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp thông thường.

Cách phòng tránh

Để không gặp phải chấn thương dây chằng trong lúc chơi bóng đá, thì trước hết bạn cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trước khi vận động.

Đầu tiên bạn phải khởi động thật kỹ khớp gối, bằng các bài khởi động như xoay gối, ép dọc, ép ngang, chạy nâng cao đùi,…

Trong khi vận động, bạn phải tránh những va chạm mạnh tác động trực tiếp vào đầu gối. Đây là nguyên nhân gây chấn thương dây chằng rất cao.

Không vận động sai tư thế, ép cơ thể thực hiện những động tác khó. Không chuyển hướng quá nhanh khi đang di chuyển ở tốc độ cao.

Ở những pha tiếp đất, cần thực hiện đúng kỹ thuật. Không tiếp đất bằng mũi chân, gót chân, phải phân tán đều lực trên toàn bộ bàn chân.

Gãy xương

Gãy xương là gì và triệu chứng ban đầu

Gãy xương chia làm hai loại là gãy xương hoàn toàn và gãy xương không hoàn toàn.

Đối với những người chơi bóng đá, gãy xương thường xảy ra sau những pha va chạm mạnh, hoặc sau những tình huống tiếp đất sai kỹ thuật.

Sau khi bị gãy xương, người bệnh có cảm giác đau, tê buốt vùng chấn thương và khu vực chấn thương bị biến dạng.

Khu vực chấn thương xuất hiện vết bầm tím, phù nề và đau. Đặc biệt khi cố gắng vận động hoặc bị tác động, vết thương sẽ càng đau. Xương mất đi chức năng vốn có.

Trong trường hợp gãy xương hở, xương đâm xuyên qua cơ và nhô ra bên ngoài da. Gây chảy máu bên trong.

Cách chữa trị

Khi phát hiện bệnh nhân có những triệu chứng của việc gãy xương. Tiến hành dừng vận động, đặt vị trí chấn thương nằm cố định, đúng chiều tự nhiên của xương.

Sau đó dùng nẹp gỗ và băng gạc, cố định vùng chấn thương. Đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

Quá trình sơ cứu yêu cầu, không được nắn, bẻ, sửa lại xương nếu không có chuyên môn. Nếu không sẽ khiến các vết gãy của xương cắt vào các cơ, rất nguy hiểm.

Trong khi di chuyển bệnh nhân, không được xê dịch vùng chấn thương. Không nên băng nẹp quá chặt, sẽ khiến xương bị ép sai vị trí, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Cách phòng tránh

Gãy xương là một chấn thương tương đối nghiêm trọng, nó ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như là thẩm mỹ của người bị chấn thương.

Để phòng tránh chấn thương này trong khi chơi bóng đá, trước hết chúng ta cần khởi động thật kỹ trước khi vào sân thi đấu.

Đồng thời, tránh những tình huống va chạm mạnh vào các khu vực như: cẳng chân, đùi, cẳng tay, ngón tay.

Trong những tình huống ngã, chúng ta cần tiếp đất đúng tư thế. Việc dùng tay tiếp đất khi ngã sai tư thế, dễ khiến xương cẳng tay bị gãy một cách hoàn toàn.

Thường xuyên ăn nhiều thức ăn bổ sung canxi, vitamin D giúp xương chắc khỏe. Kết hợp với chế độ vận động, tập luyện thường xuyên để có một khung xương khỏe khoắn và dẻo dai.

Viêm gót chân Achilles

Viêm gót chân Achilles là gì và triệu chứng ban đầu

Gân Achilles là một gân lớn nhất trong cơ thể, kéo dài từ bắp chân đến gót chân.

Nguyên nhân gây ra viêm gót Achilles thường xảy ra với những người chơi thể thao có tác động nặng lên gót chân như: chạy bộ, bóng đá, bật cao, …

Chấn thương này thường xảy ra, khi chúng ta đẩy mũi bàn chân về trước, nhấc gót chân lên và thực hiện chạy tăng tốc. Khi đó gân ở gót chân căng lên và dễ gây nên tổn thương.

Hoặc khi bạn đang chạy và chuyển hướng đột ngột, việc trọng tâm dồn vào gót chân đột ngột khiến gân gót chưa kịp thích nghi cũng dễ gây ra tổn thương cho gân Achilles.

Khi bị tổn thương gân Achilles, chúng ta sẽ cảm thấy đau phần dưới của bắp chân vào mỗi sáng.

Đặc biệt khi thực hiện động tác đứng bằng mũi chân, chúng ta sẽ càng thấy đau hơn vì lúc này gân gót bị kéo căng nhất.

Trường hợp gân bị đứt, bạn sẽ cảm thấy rất đau, thậm chí nghe cả tiếng rắc. Sau đó là hiện tượng phù nề và tấy đỏ ở vùng gót chân.

Cách chữa trị

Khi nghi ngờ mình bị tổn thương gân Achilles, bạn hãy dừng vận động nặng. Sử dụng đá lạnh, thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen để giảm đau.

Bạn cũng có thể kết hợp việc gác chân cao khi nằm để giảm đau và tránh làm trầm trọng thêm chấn thương.

Tiếp theo bạn nên đến trung tâm y tế để được kiểm tra, đánh giá tình trạng chấn thương và điều trị một cách hiệu quả nhất.

Không nên tự điều trị tại nhà, bởi vì chấn thương gân Achilles cần những can thiệp sinh học bên trong để điều trị. Tổn thương gót Achilles cần 6 đến 8 tháng để phục hồi.

Cách phòng tránh

Để tránh được tổn thương gót Achilles, các bạn cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về vận động.

Đối với những bạn chơi bóng đá, cần khởi động kỹ trước khi thi đấu. Đặc biệt là những động tác như: xoay cổ chân, ép dọc, ép ngang, chạy bước nhỏ,…

Đồng thời mang đúng size giày và kiểu giày khi chơi ở những môi trường khác nhau. Không thực hiện động tác sai tư thế, không gắng quá sức để tranh chấp.

Khi cảm thấy có điều bất thường ở gót chân và vùng bắp chân thì nên dừng vận động và đi khám, để tránh các biến chứng đứt gân Achilles sau này.

Nên ăn nhiều thực phẩm bổ sung chất xơ, collagen và các chất dinh dưỡng tốt cho cơ và gân.

Leave a Comment

           
Bài trước

Những Sân Bóng Đá Nổi Tiếng Thế Giới Và Việt Nam

Biệt Danh Của Các Cầu Thủ Quốc Tế và Việt Nam

           
Bài tiếp theo