Các Sơ Đồ Bóng Đá 11 Người | Sơ Đồ Bóng Đá Nào Tối Ưu Nhất ?

Bóng đá là một cuộc chơi về tinh thần, kỹ thuật và chiến thuật. Với sự phát triển không ngừng của bóng đá hiện đại ngày nay, sự xuất hiện của nhiều chiến lược gia tài ba đã đem đến cho thế giới bóng nhiều chiến thuật mới mẻ, truyền thống nhưng hiệu quả, đẹp mắt và cũng không thiếu những chiến thuật độc đáo. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về một số sơ đồ bóng đá 11 người phổ biến và đáng chú ý nhất.

Các sơ đồ chiến thuật trong bóng đá 11 người

Sơ đồ 4-3-3: Sự hủy diệt của bóng đá tấn công

Đây là đội hình linh hoạt, dễ vận hành và dễ sử dụng, được rất nhiều đội bóng ưa chuộng. Mỗi huấn luyện viên đều có những triết lý bóng đá khác nhau nên có thể làm cho cách vận hành có thể khác nhau, nhưng 4-3-3 luôn có một điểm chung là mang lại sức mạnh tấn công vô cùng đáng sợ.

Nhìn chung sơ đồ này giúp các đội bóng triển khai lối chơi tổng lực và áp đặt thế trận lên đối phương, hiện nay sơ đồ này đang phát triển mạnh với nhiều triết lý như gegenpressing (một đặc sản của J.Klopp đã biến Liverpool trở thành con quái vật những năm gần đây) và đặc biệt thành công nhất của 4-3-3 là được vận hành theo triết lý tiki taka hoa mỹ của Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha giai đoạn 2008-2012.

4-3-3 đem lại cho những người yêu thích lối đá tấn công đẹp mắt và những trận đấu trên cả tuyệt vời mà ở đó có những cuộc bắn phá khung thành từ mọi phía.

Được nhiều huấn luyện viên ưa thích và được sử dụng nhiều thì 4-3-3 chắc hẳn không đơn giản chỉ đem lại những bữa tiệc tấn công đẹp mắt mà độ hiệu quả của nó cũng rất cao.

Đọc thêm: Cách Đá Tiền Vệ Trung Tâm

Với 4-3-3 các đội bóng có rất nhiều cách tiếp cận khung thành đối phương, có thể chơi tạt cánh đánh đầu, có thể ban bật nhỏ, có thể tấn công trực diện vào trung lộ và cả những pha phát động tấn công vượt tuyến tận dụng tối đa tốc độ của các tiền đạo cánh.

4-3-3 cổ điển sở hữu một tiền vệ mỏ neo chơi thấp hơn 2 người đồng đội cùng tuyến và có nhiệm vụ đánh chặn, thu hồi bóng, các cầu thủ điển hình ở vị trí này là Sergio Busquets, Fabinho,…

Cự ly đội hình được giữ hợp lý, 3 tiền vệ trung tâm chơi gần nhau và hỗ trợ cho nhau khi cần thiết để tạo bệ phóng đưa bóng lên phía trên cũng như lớp phòng ngự đầu tiên khi ở trạng thái phòng thủ.

Hai hậu vệ cánh liên tục dâng cao hỗ trợ phòng ngự, điều này làm cho những bài tấn công biên có sức sát thương rất cao.

Điểm mạnh nhất cũng chính là yếu điểm lớn nhất của 4-3-3 truyền thống khi chỉ có 1 tiền vệ đánh chặn và 2 hậu vệ cánh liên tục leo biên, cùng với đó 3 tiền đạo thường chỉ ở phần sân đối phương nên 4-3-3 chống phản công cực kỳ kém vì để lộ ra quá nhiều khoảng trống.

Vì vậy mà nhiều huấn luyện viên đã nghĩ ra các biến thể của 4-3-3 truyền thống để phù hợp với những con người mình đang có, điển hình có thể kể đến các sơ đồ 4-2-1-3, 4-3-2-1 và 4-3-3 với một số 9 ảo.

  • 4-2-1-3: sơ đồ này bố trí 2 tiền vệ phòng ngự và 1 tiền vệ công nhằm giải quyết vấn để đủ quân số phòng thủ khi bị phản công, tuy nhiên về tấn công thì nó thua xa so với 4-3-3 truyền thống. Cùng với việc không có một tiền vệ trung tâm đúng nghĩa nên khả năng kiểm soát bóng cũng giảm đi đáng kể.
  • 4-3-2-1: ở sơ đồ này, các đội bóng sẽ có sức công phá mạnh mẽ trong lối tấn công trung lộ và tấn công biên nhờ có 2 tiền đạo lùi, 2 cầu thủ này sẽ đảm nhiệm cả vai trò dạt biên lẫn xẻ nách làm cho lối chơi trở nên cực kỳ đa dạng và nguy hiểm so với 4-3-3 cổ điển. Tuy nhiên cũng nó vẫn khó để chống phản công như sơ đồ cũ.
  • 4-3-3 với một số 9 ảo: đây được xem là biến thể bá đạo nhất so với 4-3-3 truyền thống vì độ hiệu quả của nó không chỉ nằm ở những lý thuyết mà được thực thế chứng minh rất nhiều.

Ở sơ đồ này một số 9 ảo phải làm rất nhiều nhiệm vụ từ ghi bàn, kiến thiết, lùi sâu nhận bóng và thậm chí cả việc đánh chặn. Vì thế để kiếm một số 9 ảo rất khó khăn nhưng một khi đã có thì thành công sẽ đến ngay lập tức.

Có thể kể đến vài số 9 ảo đẳng cấp thế giới như Francesco Totti, Cesc Fabregas, Roberto Firmino,…

Dù 4-3-3 có chơi ở biến thể nào đi chăng nữa thì vấn đề hở sườn cũng khó có thể giải quyết được và nó mãi là điểm yếu duy nhất nhưng cực kỳ nguy hiểm của sơ đồ này.

Đọc thêm: Các Chiến Thuật Bóng Đá 7 Người

SƠ ĐỒ 433 TRONG BÓNG ĐÁ HIỆN ĐẠI

Sơ đồ 4-4-2: Khởi nguồn mọi chiến thuật bóng đá

Bóng đá phát triển quá nhanh, điều này làm cho sơ đồ 4-4-2 bị tụt lại phía sau. Bóng đá cũng như thời trang, cái mới chỉ là sự lặp lại của những giá trị xưa cũ, 4-4-2 một thời làm mưa làm gió giờ đã dần bị các sơ đồ khác thay thế.

Có thể 4-4-2 đã xuất hiện quá lâu rồi, đến nỗi không có một tài liệu nào ghi lại sự hình thành của nó. Nhiều người biết đến 4-4-2 vào thời hoàng kim của nó ở những thập niên 80 90 của thế kỷ trước.

Thành công mà nó mang lại cho các đội bóng nhiều không kể hết, đó là AC Milan dưới thời Arrigo Sacchi và Fabio Capello, MU của ngài Alex Ferguson,…

Đây là sơ đồ có thể khai thác hết những phẩm chất của các sát thủ vòng cấm như Ruud van Nistelrooy, Van Basten, Fernando Torres,…

Điểm yếu duy nhất của 4-4-2 là vì chỉ có 2 tiền vệ trung tâm nên nếu 2 người này thi đấu không được tốt hoặc lép vế trước hàng tiền vệ đối phương thì 2 cầu thủ chạy cánh và 2 tiền đạo sẽ cực kỳ đói bóng, làm cho thế trận tấn công dễ bị bắt bài, bế tắc và rời rạc.

Để giải quyết vấn đề này, 4-4-2 đòi hỏi phải có 2 tiền đạo có lối chơi biến hóa, thường xuyên dạt cánh để tận dụng khoảng trống giúp sơ đồ này cân bằng hơn đôi chút. Bên cạnh đó là việc 2 hậu vệ biên phải hoạt động hết công suất khi lên công về thủ liên tục cùng với 2 tiền vệ cánh đôi khi phải bó vào khu vực giữa sân để hỗ trợ 2 tiền vệ trung tâm.

Những bài tấn công của 4-4-2 thường được cụ thể hóa thành bàn thắng khi điểm đến của những đường chuyền quyết định là 2 tiền đạo mục tiêu có khả năng độc lập tác chiến tuyệt vời.

Đọc thêm: Làm Sao Để Đá Bóng Giỏi

Tuy nhiên vị trí quan trọng nhất trong sơ đồ 4-4-2 lại là 2 tiền vệ trung tâm vì họ là những người khai thác bóng tối đa khi 4-4-2 triển khai bóng theo chiều ngang là chính.

4-4-2 được biến tấu để trở thành nhiều dị bản như 4-2-2-2, 4-4-1-1, 4-3-1-2 hoặc 4-1-3-2. Trong đó biến thể được sử dụng nhiều và thành công nhất là 4-4-1-1.

Về cơ bản 4-4-1-1 không thay đổi quá nhiều so với 4-4-2 truyền thống khi chỉ thay một tiền đạo mục tiêu bằng hộ công có khả năng kiến thiết lối chơi. Mấu chốt để đi đến thành công với 4-4-1-1 là ở việc cầu thủ hộ công có đủ tốt hay không, đây là vị trí được di chuyển tự do, được dẫn dắt lối chơi và có không gian chơi bóng thoải mái nhất nên thành bại là ở vị trí này cũng không sai lắm.

Với việc có một cầu thủ như vậy trong đội hình thì 2 tiền vệ trung tâm sẽ thi đấu bớt áp lực đi rất nhiều.

Hiện tại chỉ còn rất ít những đội bóng sử dụng 4-4-2 để thi đấu, thành công nhất có lẽ là Atlético de Madrid khi Simeone đã biến 4-4-2 thành một tường thành kiên cố với 3 lớp phòng ngự, thậm chí nhiều người nhận xét đây là phòng ngự tiêu cực.

4-4-2 của đội chủ sân Wanda Metropolitano được vận hành không giống với với thời hoàng kim của nó nhưng dù sao khi xét về tổng quan thì đây cũng được coi là sự hồi sinh của 4-4-2, góp phần xóa bỏ sự thống trị của 4-3-3 hay 4-2-3-1.

SƠ ĐỒ 442 | BẢN LỀ CỦA NHỮNG TRANG SỬ BÓNG ĐÁ

Sơ đồ 4-2-3-1: Khi sự cân bằng được ưu tiên

Sơ đồ này là sơ đồ có tính cân bằng cao nhất trong bóng đá. Nó cân bằng từ cách bố trí cầu thủ trên sân đến cách vận hành lối chơi. Cân bằng cả trong tấn công lẫn phòng thủ. Vì thế nó được rất nhiều đội bóng ưa chuộng.

Cũng như 4-3-3 thì  4-2-3-1 vận hành vô cùng linh hoạt và có tính cơ động cao. Đặc thù của nó là kiểm soát bóng, kéo dãn hàng phòng ngự đối phương bằng những tình huống phối hợp nhóm nhỏ được xếp thành hình tam giác.

Ở sơ đồ này, tiền vệ trung tâm sẽ phối hợp rất nhiều với 3 hộ công để thu hút đối phương trước khi có những đường chuyền quyết định cho 1 tiền đạo mục tiêu duy nhất phía trên luôn trong tư thế sẵn sàng.

Về mặt phòng ngự, 4-2-3-1 rất khó bị phản công nếu các cầu thủ không mắc lỗi vị trí vì lúc nào cũng có từ 4-6 cầu thủ án ngữ trước khung thành đội nhà.

Chỉ cần sở hữu những cầu thủ thi đấu kỷ luật tốt, có sự dẻo dai cần thiết, hiểu được ý đồ chiến thuật là 4-2-3-1 sẽ được vận hành rất hiệu quả.

Đọc thêm: Kỹ Thuật Đá Bóng Sân Cỏ Nhân Tạo

Lý thuyết chiến thuật | SƠ ĐỒ 4231 - Lịch sử - Cách triển khai

Sơ đồ 3 trung vệ: một bước chuyển mình của nghệ thuật phòng ngự

3-5-2 hay 3-4-3 được ra đời và ngày một phát triển bởi các huấn luyện viên mang triết lý phòng ngự chặt và phản công nhanh.

Khi cầu thủ giữ được vị trí tốt thì hệ thống phòng ngự sơ đồ 3 trung vệ rất khó bị đánh bại. Đặc biệt đối với những đội bóng thi đấu dựa vào 1 số 10 xuất sắc thì gặp sơ đồ 3 trung vệ rất dễ gãy khi họ dễ dàng phối hợp để biến số 10 của đội bạn trở thành kẻ thừa.

Bên cạnh đó những miếng đánh trung lộ, nơi quy tụ số đông cầu thủ của sơ đồ 3 trung vệ cũng nguy hiểm không kém gì 4-2-3-1. Hai cầu thủ chạy cánh có mặt ở mọi điểm nóng, tham gia vào nhiều tình huống tấn công và có nhiều cơ hội tự mình ghi bàn.
Vì không có 2 hậu vệ biên thực thụ nên điểm yếu lớn nhất của sơ đồ này là dễ bị xẻ nách bởi những cầu thủ có tốc độ và sự càn lướt vì để các trung vệ khó lòng bọc lót cho nhau khi bị đánh vào khoảng trống ở 2 biên. Nếu như có 2 cầu thủ chạy cánh dẻo dai và có sức bền thì việc hỗ trợ 3 trung vệ sẽ phần nào đó dễ dàng hơn.

Chỉ với một điểm yếu như vậy cũng đủ làm cho sơ đồ 3 trung vệ không còn quá mạnh như lúc nó mới ra đời ở châu Âu nữa.

Như vậy theo các bạn sơ đồ nào mạnh nhất trong các sơ đồ kể trên? Hãy rút ra ý kiến của mình và comment cho chúng tôi biết những sơ đồ khác mà bạn cho là thú vị nhé.

Leave a Comment

           
Bài trước

Kỹ Thuật Dẫn Bóng | Những Kỹ Thuật Dẫn Bóng Cơ Bản

Cách Khống Chế Bóng | 5 Cách Khống Chế Bóng Thông Dụng Nhất

           
Bài tiếp theo